Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2018

KHÁM PHÁ TÂY BẮC (TÂY BẮC DISCOVERY)
Gỏi cá là một trong những món ăn quen thuộc của người Việt Nam, thường được làm từ cá chép, cá mè, cá quả, cá trắm… rất phổ biến ở các vùng nông thôn vì luôn có sẵn các loại cá đồng tươi ngon, hấp dẫn này. Ngoài ra, gỏi cá trắm còn là món ăn đặc sản của người Thái
Không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao, gỏi cá sống còn mang đến một hương vị tuyệt vời và là món nhậu hấp dẫn của cánh màu râu.

Cách làm gỏi cá trắm của người dân tộc Thái khá đơn giản, nếu bạn chưa biết làm thì  chuyên mục sẽ chia sẻ với mọi người sau đây nhé!

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Cá trắm: 1 con nặng khoảng 2 – 3 kg
  • Hoa chuối: 1 cái
  • Cây chuối non, nhỏ: 1 cây
  • Các loại rau ăn kèm: rau muống, rau ngót, lá mơ
  • Nước măng (nước ngâm măng tre 2 – 3 tháng)
  • Ớt: 2 trái
  • Muối hạt: 1 nắm nhỏ
  • Giấy báo
Lưu ý khi chọn cá: Để có món gỏi cá tươi ngon, khâu chọn cá là quan trọng nhất. Bạn nên chọn cá trắm khoảng 2 – 3kg, khi mua cá vẫn còn sống và quẫy đạp mạnh. Tuyệt đối không mua cá đã chết hoặc bị ôi thiu làm gỏi vì thịt cá khi đó không ngon, có nguy cơ bị nhiễm khuẩn, nếu ăn sống sẽ rất nguy hiểm.

Sơ chế nguyên liệu chuẩn bị làm gỏi

  • Cá trắm mua về đánh sạch vảy, bỏ hết ruột, chặt đầu, đuôi, vây, lấy phần thịt rửa sạch với nước rồi để ráo.
  • Hoa chuối thái mỏng, rửa sạch, ngâm với nước pha nước cốt chanh để không bị thâm rồi vớt ra để ráo.
  • Cây chuối non thái mỏng, cho vào ngâm cùng hoa chuối.
  • Các loại rau ăn kèm như rau muống, lá mơ… nhặt sạch, rửa sạch rồi để ráo.
  • Ớt rửa sạch, bỏ hạt, băm nhỏ.

Hướng dẫn cách làm gỏi cá trắm

Bước 1. Lọc thịt cá sống.
Để thực hiện bước này, bạn cần chuẩn bị một cái thớt sạch và một con dao thật sắc. Dùng dao sắc lọc xương và thịt, bỏ phần da cá. Bạn lưu ý kiểm tra kỹ và lấy hết xương cá ra khỏi thịt, sau đó bọc thịt cá vào giấy báo cho thấm nước. 15 phút sau, bỏ lớp giấy báo rồi thái mỏng thành những miếng vừa ăn. Sắp vào đĩa.

Thịt cá sau khi thái mỏng
Bước 2. Pha chế nước mắm.
Cho ớt băm, muối hột vào chén, sau đó giã nhỏ rồi thêm nước lọc và nước mắm vào khuấy đều là đã có chén nước mắm ăn gỏi ngon chuẩn vị.
Bước 3. Trình bày món ăn.
Bày đĩa thịt cá sống cùng với chén nước mắm và các loại rau ăn kèm. Khi ăn, bạn gắp một miếng cá cuốn cùng rau sống, chấm nước mắm rồi thưởng thức.
Gỏi cá tuy ăn sống nhưng không hề có mùi tanh vì đã được sơ chế cẩn thận, lại kết hợp ăn kèm với các loại rau, hoa chuối… chấm thêm nước chấm đậm đà rất ngon.
Cách làm gỏi cá trắm của người dân tộc Thái khá đơn giản phải không các bạn, chúc các bạn thực hiện thành công nhé!

LỄ HỘI VĂN HÓA | Nét văn hóa của người Thái ở Lai Châu



KHÁM PHÁ TÂY BẮC (TÂY BẮC DISCOVERY)

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

CƯỜI VỠ BỤNG VỚI TRÒ BỊT MẮT BẮT VỊT

KHÁM PHÁ TÂY BẮC (TÂY BẮC DISCOVERY)
Ai bắt được vịt sẽ nhận phần thưởng chính là con vịt mình bắt được

Trò bịt mắt bắt vịt là trò chơi khá phổ biến. Người chơi và người xem tập trung tại một bãi đất rộng quây thành một vòng tròn. BTC chọn những con vịt to, khỏe để chúng có thể chạy và bay nhanh. Hai người chơi bị bịt chặt mắt và đưa vào vòng tròn. BTC thả vào vòng tròn một con vịt. Con vịt sợ hãi kêu và bay, chạy loạn xạ. Người bắt vịt cứ theo tiếng vịt kêu mà chạy theo bắt. Khi con vịt bị bắt thì cuộc chơi kết thúc. Hai người khác lại tiếp tục vào chơi tiếp.
 Người chơi phải dùng vải đen bịt mắt

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2018

ĐỘC ĐÁO CUỘC THI CHẠY CÀ KHEO | TÂY BẮC DISCOVERY



KHÁM PHÁ TÂY BẮC (TÂY BẮC DISCOVERY)

Độc đáo thi giã bánh dày

KHÁM PHÁ TÂY BẮC (TÂY BẮC DISCOVERY)

Nằm trong chương trình Lễ hội mừng quốc khánh 2/9

Các đội thi đang hết sức khẩn trương vào công việc giã bánh

 Có 8 đội đến từ các xã, phường trong toàn huyện. Bánh dày được làm rất công phu, nguyên liệu chính là gạo nếp nương thơm. Sau khi gạo được đồ chín đổ cả vào cối giã nhuyễn khi hơi cơm vẫn nghi ngút bốc và hương thơm lan tỏa.

Các đội tham gia thi giã bánh dày muốn đạt giải thì ngoài việc tốc độ giã phải nhanh thì yêu cầu bánh dày ngon, đảm bảo cả về hình thức và chất lượng. Đây là nét văn hóa độc đáo của các dân tộc vùng cao Tây Bắc. 



Bánh dày được làm rất công phu, nguyên liệu chính là gạo nếp nương thơm. Sau khi gạo được đồ chín đổ cả vào cối giã nhuyễn khi hơi cơm vẫn nghi ngút bốc và hương thơm lan tỏa. Giã bánh giầy là một công việc nặng nhọc và đòi hỏi nhiều sức lực và kỹ thuật.
VIDEO GIÃ BÁNH DÀY


Bởi vậy những người tham gia giã bánh thường là những người đàn ông, thanh niên khỏe mạnh lực lưỡng. Mỗi lần 2 người, khi đã thấm mệt thì lại chuyển cho 2 người khác thay nhau giã. Giã càng kỹ thì bánh càng dẻo và để được lâu.

Khi xôi đem giã đã nhuyễn và dẻo quánh thành một khối là lúc các bà, các chị khéo léo nặn thành những chiếc bánh xinh xắn, tròn trịa và được gói lá chuối. Các đội tham gia thi giã bánh dày muốn đạt giải trong thì ngoài việc tốc độ giã phải nhanh thì yêu cầu bánh dày ngon phải đảm bảo cả về hình thức và chất lượng.

Sự độc đáo của phần thi giã bánh dày của các đội thi đến từ các bản đồng bào dân tộc Mông của huyện  Than Uyên đã thu hút đông đảo mọi người tới xem và cổ vũ. Đặc biệt ấn tượng hơn đối với du khách khi lần đầu tiên được biết đến nét văn hóa độc đáo nét văn hóa của các dân tộc huyện Than Uyên nói chung cũng như người Mông nói riêng.

Dưới đây là một số hình ảnh thi giã bánh dày:





 

KHÁM PHÁ TÂY BẮC (TÂY BẮC DISCOVERY)

NHỚ 2/9...chuẩn bị lại đến 2/9 rồi...
THAN UYÊN – NGÀY VUI HƠN TẾT!
Người ta vẫn nói là “vui như Tết” nhưng Than Uyên quê tôi thật đặc biệt - bởi có ngày vui hơn tết. Đó chính là ngày Tết Độc lập – ngày Quốc khánh 2/9. Bạn hãy theo tôi về Than Uyên ngày 2/9, để cảm nhận trọn vẹn niềm vui ngày Tết của dân tộc ta – Tết Độc lập.
“Chẳng có nơi nào như Than Uyên cả” - rất nhiều người con Than Uyên đi khắp nơi đã nói câu đó khi hỏi nhau về ngày 2/9 ở nơi mình ở. Ai cũng nói là “chẳng có gì” “không có tổ chức gì đâu”, và cứ đến 2/9 là họ lại nhớ nhà, nhớ Than Uyên tha thiết. Và họ xem tin tức về Than Uyên, gọi nhau chụp ảnh, gửi video các hoạt động 2/9 để xem cho đỡ nhớ...Họ nói họ nhớ không khí trên đường, nhớ vị bánh dày, nhớ mùi cơm lam...

Ngày 2/9, Than Uyên đầy chặt người. Phố huyện tắc đường. Nhưng điều đặc biệt là - Than Uyên của tôi... chỉ tắc đường vào 2 /9 (năm trước tắc đường ở khu chợ đến cầu Mường Cang, năm vừa rồi tắc đường từ tối 1/9 ở cổng sân vận động huyện). Nếu bạn là một người con Than Uyên, khi nhích từng chút để có thể vào khu vực sân vận động ngắm các trại văn hóa của các xã, hay di chuyển chậm chạp trong dòng người để có thể lên khu trung tâm huyện ...thì bạn sẽ thấy tắc đường ở đây cũng có chút thú vị rất riêng...Lúc ấy, bạn sẽ vừa nhích xe lên từng chút vừa tha hồ ngắm các cô gái người Mông, người Dao với áo váy rực rỡ đang đi từng tốp trên đường. Họ đeo xà tích lúc lắc và còn trang trí trên mũ, trên áo váy những dây hạt màu các loại, những chùm đồng bạc thật đẹp. Các cô gái Mông từ Mù Cang Chải, từ Sơn La...hay đâu đó cũng sang đây vui Tết Độc lập, họ cùng đi, tay trong tay với bạn trai, bạn gái, các cô cười tươi tắn rủ nhau đi chụp ảnh, đi chơi...Mỗi bước đi, váy xập xòe theo nhịp chân bước, những tiếng đồng xu treo trên váy áo va vào nhau thật vui tươi, rộn rã...Còn những cô gái Thái với áo cóm sắc màu tươi tắn, váy nhung đen dài chấm gót, đeo chiếc thắt lưng xanh và xà tích bạc vắt ngang hông, khuôn mặt rạng rỡ...Ngắm nhìn họ, mỗi người một vẻ khiến bạn không hề nghĩ đến việc tắc đường...
Để cảm nhận trọn vẹn 2/9 Than Uyên thì bạn cần ra đường, hòa mình vào dòng người để thấy không khí 2/9 nơi đây khác hẳn những nơi khác. Người già, trẻ nhỏ đều thích ra phố, đi để xem mọi người vui vẻ thế nào, bởi ra đường hôm nay chỉ có người, người và người....Vui lắm...Các hàng quán mọc lên khắp nơi, ở vỉa hè, ở khu công viên...chỉ để phục vụ bà con đi chơi Tết độc lập. Phố huyện ồn ào với tiếng loa ở các hàng quán dọc đường, tiếng loa ở sân vận động khiến cho không khí càng thêm náo nhiệt.
Sân vận động huyện đông nghịt người từ tối 1/9. Dù trời mưa hay tạnh ráo thì từ tối 1/9, thanh niên các dân tộc đã về phố huyện để đi chơi. Ở đây, ngày Tết Độc lập không dành riêng cho dân tộc nào cả. Người Kinh, người Thái, người Mông...đều thích ra đường vào ngày này...và lúc đó, chỉ có người Than Uyên – tất cả họ đều là người Than Uyên – và không khí ngày hội của núi rừng gắn kết họ lại.
Người già kể rằng, Than Uyên được giải phóng khỏi ách đô hộ của giặc Pháp từ năm 1952, nhưng ngày ấy đời sống nhân dân còn khó khăn nên ngày Quốc khánh chỉ treo băng rôn, khẩu hiệu trên đường phố huyện. Khoảng từ năm 1980 thì huyện bắt đầu có tổ chức mít tinh, văn nghệ chào mừng ngày 2/9. Bà con từ đó cũng bắt đầu đi xem văn nghệ, đi chơi và đi mua sắm nhiều hơn trong ngày này. Đến khoảng năm 1990 trở lại đây thì phong trào đi chơi Tết Độc lập 2/9 băt đầu trở thành thói quen của người dân Than Uyên. Bà con các dân tộc rời bản, xuống chợ đi chơi Tết. Mọi người ra đường luôn chọn bộ trang phục đẹp nhất, các cô gái trang điểm cho đôi má hồng xinh, họ chọn cho mình chiếc khăn, chiếc mũ được thêu thùa, trang trí sặc sỡ, bắt mắt nhất để đi chơi huyện. Trước đây, ngày 2/9 xuống chợ, bà con chỉ cần đi chơi quanh phố huyện, ăn một que kem hay bát phở, chụp một vài tấm ảnh làm kỉ niệm là đã thấy vui lắm rồi. Còn bây giờ, 2/9 chỉ đi chơi, ngắm phố, ngắm người, uống nước và xem các trò chơi, các hoạt động do huyện tổ chức.
Người Than Uyên tới dịp 2/9 họ không nói là ăn Tết như Tết Nguyên đán của người Kinh hay Tết Xíp Xí, Xíp Hả vào rằm tháng giêng, tháng bảy cuả người Thái... mà người ta nói là đi chơi Tết Độc lập. Vì vậy, họ chỉ chăm lo cho việc sẽ đi chơi như thế nào, đi chơi với ai, rủ ai đi cùng, chơi ở đâu...Thế là từ trước đó vài ngày, bà con sẽ bán vài con gà, con vịt để lấy tiền sắm sửa bộ quần áo mới, cho lũ trẻ tiền ăn quà...Và chỉ thế là đủ để xuống chợ với mọi người. Chuẩn bị chơi Tết Độc lập chỉ đơn giản như thế, và ai cũng muốn được đi. Lũ trẻ háo hức, xúng xính trong bộ quần áo mới, xuống phố huyện chỉ thích ăn chè, ăn kem, mua bóng bay cầm tay tung tăng theo bố mẹ, ông bà đi khắp nơi. Người già thì đưa con cháu đi chơi và ngắm nhìn mọi người. Vui nhất là thanh niên, họ xuống phố từ ngày 1/9. Từ sáng 1/9 đường phố đã tấp nập xe cộ. Trên đường phố, hình ảnh thú vị nhất có lẽ là cảnh các chàng trai người Mông dắt ngựa xuống núi, các cô gái thì ngồi vắt vẻo trên lưng ngựa, cả đoàn đến phố huyện từ trưa 1/9, mọi người đi đường ngắm nhìn họ và ai cũng cười rất tươi. Có lẽ lâu rồi, những chú ngựa - một phương tiện đi lại chuyên chở quen thuộc của vùng cao - mới xuất hiện trở lại trong hình ảnh đẹp như thế. Còn trên cầu Mường Cang người Mông đã bày rất nhiều đồ dùng của họ, đó là lu cở, khèn, dao... họ đến sớm hơn để tranh thủ bày bán những vật dụng họ tự chế tác. Buổi tối 1/9, thanh niên người Mông tụ tập ngoài đường, họ sẽ gặp gỡ và trò chuyện, tiếng khèn, tiếng sáo Mông vang đâu đây quanh các gốc cây dọc đường lên hội trường lớn của huyện. Những lời tâm sự được bày tỏ qua tiếng sáo, tiếng khèn...Nếu ưng cô gái nào, chàng trai Mông sẽ kéo cô ấy về làm vợ - đây cũng là dịp để các chàng trai Mông bắt vợ - các bạn của chàng trai sẽ giúp đỡ để chàng bắt được cô gái mà chàng thầm mến. Nếu cô gái không ưng sẽ phản ứng quyết liệt và tìm cách trốn, nhưng nếu ưng nhau, cô gái sẽ giả vờ phản đối một chút (cho đúng tục lệ) và theo chàng về làm thủ tục kết hôn theo đúng phong tục. Còn bà con người Thái, người Kinh thì thường mang các sản vật của gia đình đi bán trong ngày 2/9 vì sẽ đông khách, đắt hàng. Đó là măng củ tươi, măng đã luộc, rau củ quả các loại...Chợ Than Uyên thật phong phú sản vật địa phương trong dịp Tết này.
Sáng 2/9, bà con từ mọi ngả đường nườm nượp đổ về trung tâm huyện. Tiếng xe máy nổ giòn từ sớm, mọi người đều hối hả, náo nức...Hòa mình vào dòng người ấy để cảm nhận một niềm vui rất riêng...Ngày 2/9 – Tết Độc lập, bà con để lại sau lưng những vất vả của nương rẫy, ruộng vườn, trong lòng họ, trên gương mặt họ - chỉ còn có niềm vui hội ngộ với bạn bè, người thân, họ ra phố chỉ để chơi, ăn một món ăn mà trên bản không có, chụp tấm ảnh với bạn bè, ra sân vận động cổ vũ các hoạt động...rồi trở về.
Đến chiều muộn, dù trời mưa hay nắng thì phố huyện vẫn còn đông người. Lúc này, đi lên huyện bằng xe máy vẫn phải đi thật chậm, len lách cẩn thận qua những người đi đường. Dường như chưa ai muốn về, bởi chỉ hết ngày hôm nay thì một năm sau Than Uyên mới lại tưng bừng như thế. Ai cũng lưu luyến, bâng khuâng... Ngày mai, phố huyện sẽ lại trở về với vẻ yên ả, thanh bình và mọi người sẽ trở lại với công việc, nương rẫy, ruộng vườn... Hoàng hôn buông tím núi rồi mà màu thổ cẩm vẫn sặc sỡ, mùi sa nhân, thảo quả vẫn thoang thoảng đâu đây trên đường phố khiến bạn cảm nhận trọn vẹn hơn hương vị của núi rừng trong ngày 2/9 ở Than Uyên.
Từ năm 2012 đến nay, Ủy ban nhân dân huyện Than Uyên đã chọn ngày 2/9 là ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc huyện Than Uyên. Các xã đều được giao chuẩn bị các đội để tham gia. Các phần thi được tổ chức từ chiều 1/9. Các môn thi thể thao là các môn truyền thống như bắn nỏ, kéo co, tù lu, cà kheo... Thi ẩm thực truyền thống với các món ăn quen thuộc được chế biến và trình bày đẹp mắt như cơm lam, xôi màu, cá nướng...Bà con người Mông thi giã bánh dày ngay tại sân vận động huyện, ngay sau khi giã, bánh được nặn thành từng chiếc to như cái đĩa, rắc vừng hoặc đỗ xanh giã mịn lên trên trông thật hấp dẫn...Cả sân vận động rộn ràng tiếng loa đài, tiếng cổ vũ. Buổi tối 1/9 thì trình diễn các tiết mục văn nghệ của bà con nhân dân các xã, các bài hát, điệu múa đều được thể hiện rất hay, rất đẹp mắt. Ngày hôm sau còn tổ chức các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt lợn, bịt mắt bắt vịt ...rất sôi nổi, ở đâu cũng huyên náo, nhộn nhịp. Bà con đi xem ngày hội còn có dịp chiêm ngưỡng các dụng cụ lao động, trang phục, nhạc cụ truyền thống...của các dân tộc Than Uyên được trưng bày trong từng gian trại văn hóa của các xã. Sự phong phú, đặc sắc của đặc trưng văn hóa từng dân tộc đều được thể hiện qua các gian trại. Bạn có thể vào từng gian trại để xem, sờ tay vào từng đồ vật và hỏi xem nó tên là gì, dùng để làm gì...mà không hề bị trách. Nếu thích thì bạn có thể gõ chiêng, gõ trống, xin một khúc cơm lam để ăn thử, xin hút một hớp rượu cần...Người quản lý trại văn hóa của xã đó sẽ nhiệt tình chỉ cho bạn những gì bạn muốn biết và nói với bạn nét đặc biệt trên từng đồ vật, từng món ăn...
2/9... Mừng Quốc khánh - Tết Độc lập Than Uyên. Thật sự rất đặc biệt. Từ ngày còn trẻ con tôi mê 2/9 đã đành, nhưng đến bây giờ, dù đã đi nhiều nơi, dù đã trưởng thành vẫn mê ngày 2/9 của quê mình... Tết Độc lập - Than Uyên tôi tưng bừng ngày hội của bà con các dân tộc. Tôi thích hòa mình vào dòng người ấy, ngửi mùi thổ cẩm trên áo người Mông, người Thái, ngắm nghía cái khăn piêu, cái mũ sặc sỡ của các cô gái, ngắm các chàng trai thổi sáo, múa khèn... và say sưa nhìn họ cười... Chỉ như thế thôi nhưng cảm nhận về tình đồng bào lại thấy rất rõ, rất đặc biệt ...
Đến Than Uyên ngày 2/9 để thấy mình là người Việt, bởi ở Than Uyên – ngày 2/9 thật hạnh phúc. Bạn thử đến mà xem, tôi tin rằng ai là người Việt Nam thì cũng sẽ thích ngày 2/9 của xứ sở này. Ai không tin thì năm sau đến Than Uyên nhé, đúng 2/9, bạn sẽ biết thế nào là...vui hơn Tết!
Than Uyên, 9/2016
Đinh Hồng Nhung – Khu 10 Thị trấn Than Uyên, Lai Châu.